LƯƠNG ĐỦ SỐNG VÀ CHÍNH SÁCH NHÀ GIÁO PHẢI CÔNG BẰNG
Đồng lương giáo viên (GV) không đủ sống là chuyện đã tồn tại hàng chục năm qua,Đểnhàgiáothựcsựhạnhphúcvớinghềgearvn dẫu vậy ở ngôi trường nào, địa phương nào thì những thầy cô tâm huyết, tận tâm với nghề vẫn chiếm đa số. Nhiều GV tâm sự, nếu lúc nào cũng chỉ so đo giữa đồng lương với công sức mình bỏ ra thì chắc chắn họ sẽ không bám trụ được với nghề.
Là một trong số những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm nay, cô Đặng Thị Nụ, GV Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sủng Trái (H.Đồng Văn, Hà Giang), cũng chia sẻ dù công tác ở một trong những địa bàn khó khăn nhất cả nước nhưng cô và đồng nghiệp vẫn luôn vượt qua. Tuy nhiên, cô tha thiết đề nghị Chính phủ có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các GV, học sinh (HS) vùng cao, cũng như các vùng đặc biệt khó khăn của Hà Giang và cả nước; đặc biệt là chế độ hỗ trợ cho nhà giáo, nhân viên và những người làm việc tại các trường phổ thông dân tộc bán trú.
PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT), cho rằng thực tế hiện nay, thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ cho các GV đảm bảo cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều GV không bám trụ với nghề. Bà Thơ kể, trong một dịp trao đổi với GV ở một trường của tỉnh Hà Nam, khi bà đặt câu hỏi, có GV nào phải làm việc trái tay để đủ sống? Điều bất ngờ, toàn bộ GV có mặt trong cuộc họp hôm đó cho biết, họ đều phải làm thêm một công việc khác để nuôi sống gia đình.
Thầy Nguyễn Văn Đường, GV Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội), cũng cho rằng nếu chỉ nghĩ đến đồng lương thì chắc chắn sẽ không thể có những GV tâm huyết. Tuy nhiên, theo thầy Đường, nói như vậy không có nghĩa là GV phải cứ mãi chấp nhận hết thiệt thòi về mình. Đặc biệt, trong bối cảnh chưa thể tăng lương cho GV có thu nhập đủ sống thì các chính sách liên quan đến quyền lợi của nhà giáo phải được đảm bảo công bằng, tránh làm cho nhà giáo cảm giác tủi hổ vì được hoặc không được "ban phát" quyền lợi.
Thầy Đường lấy dẫn chứng từ những bức xúc của hàng trăm nhà giáo ở Hà Nội gần đây về việc họ phải lên tiếng đòi quyền được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bình đẳng như các nhà giáo khác và cho rằng: "Những quyền lợi tưởng như hiển nhiên ấy lẽ ra phải vận dụng để thực hiện một cách nhanh gọn nhất cho nhà giáo. Việc những GV cống hiến lâu năm, có bề dày thành tích nhưng không được xét thăng hạng, cơ hội để cải thiện đồng lương vốn đã eo hẹp của GV, khiến nhiều người rất tâm tư và không có động lực phấn đấu và cống hiến nữa", ông Đường chia sẻ.
CHẠM VÀO HY VỌNG "LƯƠNG NHÀ GIÁO CAO NHẤT"…
Bà Hà Ánh Phượng, đại biểu Quốc hội và cũng là GV trực tiếp đứng lớp tại Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ), cho rằng: "Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng". Nhưng thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Bên cạnh đó, nhân viên trường học đóng một vai trò rất quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo, mặc dù làm cùng trong một ngành giáo dục. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì".
Vì vậy, bà Hà Ánh Phượng đề nghị trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của GV ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29. Đồng thời, phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề. Đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, vấn đề lương GV còn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, đặc biệt là quán triệt Nghị quyết 29 của T.Ư. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
TRẢ LƯƠNG KHÔNG CÀO BẰNG VÀ CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC
Nhiều nhà giáo bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng thầy cô có quyền hy vọng vào việc được tăng lương.Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN, cho rằng điều quan trọng là làm sao đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình. Người đứng đầu nhà trường cũng phải sử dụng, chi trả mức tiền lương ấy cho đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động chứ không được cào bằng. Nếu cào bằng thì sẽ không khuyến khích GV chủ động, sáng tạo và tâm huyết.
Đồng quan điểm, PGS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng bất cập nhất trong thang, bảng lương, phụ cấp GV hiện nay, đó là trong khi xã hội đang trả lương bằng năng lực, theo vị trí việc làm thì ngành giáo dục chủ yếu tính bằng thâm niên công tác. "Ngoài việc tăng lương thì cần phải cải tổ quy trình công việc để giảm sức lao động của GV trong những công việc không cần thiết. Đồng thời, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. GV sẽ thực sự hạnh phúc nếu như công việc của họ được quan tâm đầu tư về tư liệu sản xuất để yên tâm làm việc", PGS Chu Cẩm Thơ kiến nghị.
TRÂN TRỌNG, ĐƯỢC CHỦ ĐỘNG SÁNG TẠO
Dù đồng lương rất quan trọng nhưng chính GV và chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra rằng đó không phải là yếu tố quyết định duy nhất khiến GV yên tâm cống hiến.
Chuyên gia giáo dục độc lập Nguyễn Quốc Vương chia sẻ quan sát công việc GV hiện nay, ông nhận thấy GV đang phải làm nhiều công việc không hợp lý, trong đó có cả việc đi bán một số dịch vụ trong trường học để thu tiền hoặc áp lực sổ sách, thi đua quá lớn… "Nghề giáo bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Người thầy chỉ có thể dạy tốt khi họ cảm thấy hạnh phúc, một sự bình an trong tâm hồn. Còn nếu mất đi cảm giác hạnh phúc khi lên lớp thì người thầy sẽ ngày càng cảm thấy mỏi mệt", ông Vương nói.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Đổi mới giáo dục hiện nay cả thầy và trò cùng chịu áp lực. Một khi GV thấy hạnh phúc khi làm mới bài giảng của mình, HS sẽ có kết quả học tập tốt và tiến bộ, từ đó các em sẽ được hạnh phúc. "Ngôi trường hạnh phúc là của cả GV và HS, trong đó, GV cần phải được quan tâm đặc biệt. Đời sống được đảm bảo là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng quan trọng hơn, họ phải cảm thấy được trân trọng, được chủ động sáng tạo và hạnh phúc với nghề giáo", ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cũng chia sẻ Bộ nhận thấy HS và GV, các nhà trường ngày càng chịu nhiều áp lực hơn, nhất là trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội. Do vậy, việc xây dựng trường học hạnh phúc được Bộ GD-ĐT luôn nhấn mạnh với 3 tiêu chí cốt lõi: yêu thương, an toàn, tôn trọng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ thực hiện mọi biện pháp để nâng vị thế nhà giáo
Phát biểu tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc chiều 19.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Ngành GD-ĐT đang triển khai công cuộc đổi mới GD-ĐT một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới đại học, trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần phải đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này.
Bộ GD-ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của GD-ĐT. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất".